Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2017 đạt 880,6 triệu USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 10/2017 xuất khẩu sang thị trường này đạt 104,2 triệu USD, tăng 22,5% so với tháng 9/2017 nhưng lại giảm 14,2% so với tháng 10/2016.
Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam tới Hàn Quốc 2016-2017
Về chủng loại xuất khẩu:
Trong 10 tháng năm 2017, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc gồm 6 mặt hàng chính là: các mặt hàng thủy sản, cao su, hàng rau quả, cà phê, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm về sắn.
Trong đó, hàng thủy sản hiện là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đạt 625,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 10/2017 xuất khẩu mặt hàng này đạt 84,8 triệu USD, tăng 28% so với tháng trước và tăng 43,5% so với tháng 10/2016.
Các chủng loại xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc gồm: tôm, bạch tuộc, chả cá, mực, cá khô, cá đông lạnh, cá tra, basa… Trong đó, xuất khẩu mặt hàng tôm lớn nhất chiếm tới 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản trong 9 tháng năm nay, đạt 255,7 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến, xuất khẩu bạch tuộc đạt 105,7 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng cá đông lạnh tăng 6,7%...
Dự báo, xuất khẩu hàng thủy sản sang Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm do nhu cầu cao phục vụ cho các lễ hội cuối năm.
Hàn Quốc hiện là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 12 trên thế giới, chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới từ 1,9% năm 2007 lên 2,4% năm 2016.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc đạt 307,3 triệu USD; tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số các nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Thái Lan, Ecuador tăng lần lượt 15,8%; 26,8%; 33,9% trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Về phía Việt Nam, hiện Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ; chiếm 9,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam năm 2016.
Trong 10 năm (2007-2016), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng năm 2015, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc giảm do tăng mạnh trong năm 2014 nhờ giá tôm thế giới tăng và đồng USD tăng giá. 9 tháng năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt với mức tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, từ 2007-2016, tôm chân trắng luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc. Tỷ trọng tôm chân trắng tăng liên tục từ 42% năm 2009 lên hơn 80% năm 2016. Với nhu cầu tăng mạnh qua các năm, năm 2016, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam. Với tôm chân trắng, Hàn Quốc ưa chuộng mặt hàng tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã 03). Từ năm 2009-2016, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) xuất sang Hàn Quốc luôn cao gấp 1,4 - 2,2 lần so với tôm chân trắng chế biến (HS 16). Dự kiến, nhu cầu nhập khẩu tôm chân trắng của Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cùng với tôm chân trắng, tôm sú là chủng loại tôm xuất khẩu nhiều thứ hai vào Hàn Quốc. Từ 2009-2016, tỷ trọng tôm sú xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm từ 23,5% xuống còn 10,5% trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này. Trong giai đoạn 2010-2012, tỷ trọng tôm sú chiếm từ 50-60% tổng xuất khẩu tôm tuy nhiên giai đoạn 2013-2016, tỷ trọng tôm sú giảm xuống còn 29-30%. Tỷ trọng xuất khẩu tôm sú sang Hàn Quốc giảm do sản lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam giảm dần.
Hơn nữa, Hàn Quốc cũng là thị trường nhạy cảm về giá nên các sản phẩm tôm chân trắng giá phải chăng sẽ được người tiêu dùng Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với các sản phẩm tôm sú có giá cao hơn. Giống tôm chân trắng, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc cũng nhập khẩu nhiều hơn tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) so với tôm sú chế biến (HS 16). Từ 2009-2016, xuất khẩu tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) sang Hàn Quốc luôn cao hơn gấp nhiều lần so với tôm sú chế biến: năm 2010, tôm sú HS 03 cao gấp 15,4 lần so với tôm sú HS 16 và năm 2016, cao gấp 4,7 lần.
Mặc dù xuất khẩu tôm sú sang Hàn Quốc không nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 2 năm gần đây (2015-2016) có xu hướng tăng.
Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).
Với nhu cầu ổn định, giá xuất khẩu cao, ưu đãi thuế nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam (VKFTA), Hàn Quốc được coi là thị trường thay thế tiềm năng và có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 10T và T10/2017
(ĐVT: nghìn USD)
Tên hàng |
10 tháng năm 2017 |
% so 10 tháng năm 2016 |
Tháng 10 năm 2017 |
% so tháng 9/2017 |
% so tháng 10/2016 |
Hàng thủy sản |
625.190 |
29,5 |
84.805 |
28,0 |
43,5 |
Hàng rau quả |
74.264 |
4,3 |
5.694 |
9,0 |
-8,1 |
Cà phê |
69.868 |
40,9 |
5.675 |
-10,4 |
-23,7 |
Cao su |
69.598 |
64,7 |
6.928 |
13,1 |
35,1 |
Hạt tiêu |
26.019 |
-17,8 |
1.049 |
12,3 |
-19,4 |
Sắn và các sp từ sắn |
15.677 |
-21,7 |
65 |
-66,2 |
-14,2 |
Nguồn: số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan
Mặt hàng rau quả:
Hàng rau quả là mặt hàng nông sản lớn thứ 2 xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong 10 tháng năm nay với gần 74,3 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tính riêng trong tháng 10/2017, xuất khẩu sang thị trường này đạt 5,7 triệu USD, tăng 9,0% so với tháng 9/2017 nhưng lại giảm 8,1% so với tháng 10/2016.
Các chủng loại rau quả xuất khẩu sang thị trường này gồm: Hạt mè, ớt, xoài, vừng, tắc, da chuột, chuối, cà rốt, thanh long… Trong đó, hạt mè là chủng loại xuất khẩu lớn nhất chiếm tới 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau hoa quả trong 9 tháng, đạt gần 13,4 triệu USD, xuất khẩu ớt chiếm 14,9%, đạt 10,3 triệu USD, xuất khẩu xoài chiếm 12,7%, đạt 8,78 triệu USD…
Mỗi năm Hàn Quốc chi khoảng 33 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản từ các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cho đến cuối quý II/2017, lượng rau củ quả mà Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt chưa tới 1,5% của 33 tỷ USD, dù được ghi nhận là tăng trưởng mạnh.
Theo số liệu từ Hàn Quốc, mặt hàng trái cây nói riêng và mặt hàng nông sản nói chung, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Philippines, Mỹ và Thái Lan. Còn đối với mặt hàng rau củ thì Trung Quốc, Mỹ, Nhật đang là những nhà cung cấp chính cho phía Hàn Quốc. Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh thị phần với Trung Quốc và Nhật Bản ở mặt hàng thủy sản.
Với thế mạnh về nông nghiệp, cùng với đó là các Hiệp định trong đó có VKFTA sẽ là điều kiện thuận lợi để rau củ quả của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Mặt hàng cà phê:
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba sang Hàn Quốc trong 10 tháng năm nay với trị giá 69,8 triệu USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tháng 10/2017 xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 5,68 triệu USD, giảm 10,4% so với tháng 9/2017 và giảm 23,7% so với tháng 10/2016.
Các chủng loại cà phê xuất khẩu sang thị trường này gồm: cà phê Robusta, cà phê hòa tan và Ariabica. Trong đó, cà phê Robusta là chủng loại xuất khẩu lớn nhất chiếm 96,1% tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 9 tháng, đạt trị giá 53,7 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến, là cà phê Arabica và cà phê hòa tan đạt lần lượt 1,36 triệu USD; 799,9 nghìn USD, tăng từ 42,4 – 244,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Giá xuất khẩu cà phê sang thị trường này trong 9 tháng năm nay đạt 2.391 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù ảnh hưởng của thời tiết (bão Damrey) tại Việt Nam vừa qua không ảnh hưởng đến sản lượng cà phê trong niên vụ này. Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu cà phê ở mức cao.
Hiện Hàn Quốc đang là nhà tiêu thụ cà phê lớn và theo thống kê của Intracent, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc trong 9 tháng năm 2017 đạt 495,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp cà phê cho Hàn Quốc với kim ngạch tăng mạnh 57,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59,1 triệu USD.
9 tháng năm 2017, thị phần nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam đã tăng lên 11,9% so với mức 9,3% của tháng 9 tháng năm 2016. Trong khi đó, thị phần nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ một số nước lớn giảm như: từ Braxin, Ethiopia, Guatemala, Honduras, Italia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản ...
- Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu theo mặt hàng.
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản đạt kim ngạch cao sang Hàn Quốc 9T/2017 (ĐVT: nghìn USD)
Đơn vị |
Trị giá |
Cty CP Chế Biến Và Dịch Vụ Thuỷ Sản Cà Mau |
33.771 |
Cty CP Thủy Sản Minh Phú Hậu Giang |
33.431 |
Cty TNHH TM Thủy Sản Nguyễn Chi |
15.672 |
Cty CP XNK Thuỷ Sản Hợp Tấn |
15.461 |
Cty CP Nha Trang Seafoods - F17 |
13.719 |
Cty CP Chế Biến Thuỷ Sản & XNK Phương Anh |
13.570 |
Cty TNHH 1TV Chế Biến Thuỷ Sản Và XNK Ngọc Trinh Bạc Liêu |
13.416 |
Cty TNHH Mai Linh |
11.812 |
Cty CP Hải Việt |
9.688 |
Cty TNHH Phú Quý |
9.336 |
Cty TNHH Thuỷ Sản Nguyễn Tiến |
9.194 |
Cty CP XNK Đại Dơng Xanh Toàn Cầu |
9.180 |
Cty TNHH Chế Biến Thủy Sản Và XNK Trang Khanh |
6.906 |
Cty CP thuỷ sản và Thương Mại Thuận Phước |
6.779 |
Cty TNHH Hải Phú |
6.637 |
Cty TNHH Gallant Ocean Việt Nam |
6.576 |
Cty TNHH Đại Lợi |
6.399 |
Cty CP Tôm Miền Nam |
6.318 |
Cty TNHH Thuỷ Sản Ngọc Hồng |
6.301 |
Số liệu thống kê sơ bộ, chỉ dùng để tham khảo
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả đạt kim ngạch cao sang Hàn Quốc trong 9T/2017 (ĐVT: nghìn USD)
Tên doanh nghiệp |
Tri gia (USD) |
Cty TNHH Y.K. VINA |
11.237 |
Cty TNHH CHUNG YANG FOODS Việt Nam |
4.941 |
Cty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế GIAVICO |
3.212 |
Cty CP Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu G.O.C |
2.267 |
Cty CP Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Miền Tây |
2.006 |
Cty TNHH Long Uyên |
1.989 |
Cty TNHH Sản Xuất Thương Mại HDH |
1.885 |
Cty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Hân Vĩ |
1.547 |
Cty TNHH Hoàng Phát F R U I T |
1.524 |
Cty TNHH 1TV SX TM Nông Sản Hạnh Vinh Điền |
1.515 |
Cty TNHH Sản Xuất Và Chế Biến ớt Phạm Tân |
1.422 |
Cty TNHH Sản Xuất XNK G - VINA |
1.279 |
Cty TNHH Thương Mại Thiện Nhân |
1.262 |
Cty CP Lavifood |
1.214 |
Cty TNHH Nước Giải Khát Delta |
1.206 |
(Số liệu thống kê sơ bộ, chỉ dùng để tham khảo)
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng cà phê đạt kim ngạch cao sang Hàn Quốc 9T/2017 (ĐVT: nghìn USD)
Tên doanh nghiệp |
Trị giá |
Cty TNHH 1TV XNK 2-9 ĐắK LắK |
13.814 |
Cty TNHH Thương Phẩm ATLANTIC VN |
9.414 |
Cty CP Intimex Mỹ Phước |
6.095 |
Cty CP Phúc Sinh |
5.558 |
Cty TNHH VOLCAFE VN |
4.546 |
Cty TNHH Mtv Tni |
4.399 |
Cty CP XNK Cà Phê Intimex Nha Trang |
4.003 |
Cty CP INTIMEX ĐắK Nông |
2.808 |
Cty CP Dịch Vụ Hàng Không Sân Bay Tân Sơn Nhất |
2.363 |
Cty CP Tập Đoàn INTIMEX |
2.034 |
Cty CP Intimex Bình Dương |
1.694 |
Cty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Cát Quế |
1.248 |
Cty TNHH Dakman VN |
1.164 |
Cty TNHH OLAM VN |
1.144 |
Cty TNHH TM Và Chế Biến Louis Dreyfus Company VN |
798 |
CN Cty CP Tập Đoàn Trung Nguyên - Nhà Máy Cà Phê Sài Gòn |
653 |
Cty TNHH Nestlé VN |
542 |
Cty TNHH Cà Phê Outspan VN |
392 |
Cty TNHH Thương Mại Quốc Tế Phượng Hoàng |
306 |
(Số liệu thống kê sơ bộ, chỉ dùng để tham khảo)
* Đánh giá triển vọng, dự báo và đề xuất
Xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Hàn Quốc năm 2017 dự báo đạt khoảng 1,08 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016 do nhu cầu tiêu thụ hàng nông, thủy sản của người Hàn Quốc ngày một tăng, sản lượng thủy sản nội địa giảm, cùng với đó hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam đang được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng, do vậy có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc…
- Thuận lợi
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2017 được dự báo đạt 3%. Trong đó, quý III/2017, GDP của Hàn Quốc tăng 1,4% so với quý II/2017 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2010, cao hơn các mức tương ứng là 0,9% và 3% (dự báo trước đó), trong bối cảnh đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện, thị trường tài chính ổn định và xu hướng kinh tế trong nước tiếp tục vững chắc.
+ Theo Tập đoàn Lotte (một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu tại Hàn Quốc), mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng lớn ở Hàn Quốc là thủy sản (tôm, mực lá, cá cơm, cá hú, cá điêu hồng, ghẹ, bạch tuộc...), trái cây (dừa, chanh dây, thanh long, xoài, măng cụt, chôm chôm, đu đủ, ổi...), rau củ quả (ớt, cà rốt, tỏi, gừng, nấm, bông cải xanh, rau diếp, cải thảo...) do hàng nông sản Việt Nam khá cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc về giá.
+ Tận dụng tốt các Hiệp định đã ký kết như VKFTA, AKFTA để xuất khẩu vào các thị trường này dễ dàng và thuận lợi hơn.
Hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc hiện nay đang bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc không chỉ phải đáp ứng chất lượng sản phẩm, giá cả, mà cần phải chú ý phương thức kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, bao bì mẫu mã, và phải tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của thị trường mà mình nhắm đến.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên phía Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng. Các quy định mà Hàn Quốc bắt buộc hàng nhập khẩu vào thị trường phải tuân thủ SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm định động thực vật) để áp dụng cho sản phẩm về động vật và thực vật, thủy sinh, an toàn thực phẩm với hàng chế biến.
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng