Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị-xã hội. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên năng suất chưa cao, chất lượng nông sản không đồng đều. Đáng lưu ý, phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Do đó, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới là một trong những xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản.

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được xem là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm đất…; quản lý và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.  Cả nước hiện mới có 34 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm nông nghiệp CNC nhưng chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức (như Bình Định). Trong đó, con số khu nông nghiệp CNC đã khá khiêm tốn nhưng chỉ có 3 khu hoạt động hiệu quả (TP HCM, An Thái (Bình Dương) và Suối Dầu (Khánh Hòa); 3 khu chưa phát huy hiệu quả (Sơn La, Hà Nội và Hải Phòng) và 1 khu trong tình trạng không đạt hiệu quả (Phú Yên).

Trước thực trạng này, trong thời gian qua mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và nhất là Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017, theo đó Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành 100.000 tỷ đồng để cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 0,5-1,5%/năm, tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro cộng với các thủ tục cho vay chưa sát với thực tế và còn nhiều phức tạp, quá trình triển khai các chính sách vẫn còn “tắc” ở nhiều khâu nên nguồn vốn vẫn chưa thể đến với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ (Nghị định 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tính đến ngày 30/6/2017, dư nợ trong lĩnh vực này đạt hơn 1,188 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai nghị định và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Cùng với Nghị định 55, NHNN cũng ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Đến tháng 6/2017, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mới chỉ đạt 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn, trong đó có thể liệt kê một số nguyên nhân chính như sau:

- Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp CNC là một lĩnh vực phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai dự án; trong khi đó lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp.

- Thứ hai, sản phẩm đầu ra còn thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm;

- Thứ ba, số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch hiện nay chưa nhiều, thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản

- Thứ tư, các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN do không có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

- Thứ năm, số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế nên dư nợ cho vay chưa thể đẩy nhanh. Người dân và doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp.

- Thứ sáu, các điều kiện để có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5% lãi vay thông thường ở các kỳ hạn còn khá phức tạp. Tiêu biểu các quy định như: Dự án nông nghiệp công nghệ cao phải nằm trong khu hoặc vùng đã được công nhận để triển khai; dự án được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng. Dự án nông nghiệp sạch phải thực hiện ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn theo Thông tư 48/2013/TT- BNN&PTNT; đủ điều kiện ATTP theo Thông tư 45/2014/TT-BNN&PTNT; doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo quy định; dự án VietGAP có quy trình sản xuất nông nghiệp tốt…

Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) cũng cho thấy, có tới 70,1% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, trong đó 49,4% cho biết rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng. Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này hiện nay tập trung chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); trong đó chưa kể đến nông dân, các trang trại, HTX hiện tại cũng đang rất thiếu vốn - đây vốn là lực lượng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp CNC, tuy nhiên, họ đang là những đối tượng thiếu vốn nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn này đang đặt ra nhiều câu hỏi thách thức về các giải pháp mà các cơ quan chức năng phải đi tìm lời giải.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho nông nghiệp CNC, trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan cần sớm triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 về nghiên cứu sửa đổi quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; làm tốt công tác đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp CNC tạo cơ sở để định hướng phát triển; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp CNC theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.

* Thực trạng triển khai gói vay vốn 100.000 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 17% diện tích đất canh tác của tỉnh. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt 500 triệu đồng/ha, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng/ha/năm, hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng,… góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Theo số liệu từ NHNN, từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng đã cho vay phát triển nông nghiệp CNC đạt dư nợ 22.631 tỷ đồng, riêng khu vực Tây Nguyên đạt 177,4 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng với dư nợ 153,3 tỷ đồng. Con số này so với nhu cầu thực tế là rất thấp, bởi chỉ tính riêng tỉnh Lâm Đồng hiện đã có khoảng 49.000ha sản xuất theo mô hình NNCNC, trong khi đó, để đầu tư 1ha nhà kính trồng rau, hoa thì chi phí hết khoảng 2 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng 1ha đất nông nghiệp trên thị trường tại TP Đà Lạt khoảng 8-10 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch, điện, nước… Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệ công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng không đảm bảo các tiêu chí và điều kiện vay vốn nên việc giải ngân từ gói tín dụng 100.000 tỷ này chưa thực sự hiệu quả, hiện chỉ mới đạt 150 tỷ đồng. nếu căn cứ các tiêu chí vay vốn từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, thì toàn tỉnh đến thời điểm tháng 10/2017 cũng chỉ mới có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.

Để khơi thông nguồn vốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng và các sở, ngành đang nghiên cứu cho vay thế chấp từ tài sản trên đất. Từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất bình quân trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác đạt 170 triệu đồng/ha/năm, và giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 35 đến 40% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Do đó, một khi những điểm nghẽn về vốn vay cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao được khơi thông, sẽ nhanh chóng tạo được sự đổi thay lớn trong sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh Lâm Đồng trong quá trình hội nhập.

Nguyễn Phúc Duy
Thông tin liên quan:
Depo 25 bonus 25
Depo 25 Bonus 25