* Thị trường Singapore
Trong văn hóa kinh doanh của Singapore, những quan hệ cá nhân thường được coi trọng hơn công ty mà bạn đại diện, tính cạnh tranh cao và có đạo đức kinh doanh mạnh mẽ. Năng lực chuyên môn, những thành tích và khả năng làm việc theo nhóm được đánh giá cao. Người Singapore không thích những thông tin ngoài lề. Nhân viên người Singapore rất trung thành với công ty. Xây dựng quan hệ trung thành với từng thành viên trong nhóm làm việc rất quan trọng trong việc kinh doanh tại Singapore. Bạn hàng Singapore phải thấy thoải mái khi làm việc với bạn.
Lịch sự là phần không thể thiếu trong quan hệ kinh doanh thành công tại Singapore. Giống như Việt Nam, người Singapore có thể hỏi những câu hỏi riêng tư về hôn nhân hay thu nhập. Bạn có thể từ chối trả lời một cách lịch sự, song nếu không trả lời những câu hỏi như vậy của người Singapore thì mối quan hệ có thể kém đi. Tuổi tác và thâm niên được kính trọng trong văn hóa kinh doanh Singapore. Khi ngồi nói chuyện với đối tác không nên ngồi chéo chân.
Danh thiếp được trao đổi lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ, ngay sau khi giới thiệu, trao đổi danh thiếp nên bằng hai tay, xem danh thiếp của đối tác một cách cẩn thận và cung kính, không được dùng tay trái khi trao đổi danh thiếp. Vì người Hoa chiếm tỷ lệ dân số cao nên danh thiếp cần có một mặt in bằng tiếng Trung Quốc mặt kia in bằng tiếng Anh, màu vàng là màu được ưa chuộng trên danh thiếp.
* Thị trường Chile
Giờ hành chính tại Chile: Các ngân hàng thường mở cửa từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu, các đơn vị kinh doanh thường làm việc từ 9 giờ sáng đến 18 - 19 giờ tối.
Ngoại hình và cách ăn mặc: Trong những buổi giao dịch kinh doanh, trang phục thích hợp nhất đối với nam là complê truyền thống màu xanh hoặc xám, áo sơ mi trắng và cà vạt màu nhã nhặn, nữ giới nên complê màu xanh hoặc xám hoặc áo quần may đúng phong cách kinh doanh, kết hợp với đồ trang sức và điểm trang, nên đi giày gót thấp, chỉ nên đeo những đồ trang sức nhẹ nhàng và nhỏ gọn.
Văn hóa tặng quà: Không nên tặng những món quà quá đắt tiền, vì có thể bị hiểu nhầm là hành động lo lót, nên gói món quà và gửi kèm theo danh thiếp bên trong.
Sắp xếp cuộc hẹn: Người Chile thường rất tôn trọng sự đúng giờ, những quan hệ cá nhân đóng vai trò quan trọng tại Chile, nó có thể giúp bạn ký được hợp đồng và ngược lại. Những cuộc hẹn giao dịch nên được lên kế hoạch trước ít nhất 2 hoặc 3 tuần và nên nói rõ mục đích của cuộc gặp.
Những điều cần biết trước khi đàm phán: chuẩn bị sẵn danh thiếp giao dịch, chú ý mang nhiều danh thiếp khi đi công tác tại Chile, những người kinh doanh tại Chile thường có thói quen trao danh thiếp ngay sau cái bắt tay gặp mặt lần đầu, thường cẩn trọng và tiến hành kinh doanh với nhịp độ chậm. Vì vậy, một vài cuộc dạo chơi, gặp gỡ trước khi đi đến những quyết định giao dịch sẽ tăng dần thiện cảm và cư xử thân mật hơn với đối tác vào những lần gặp sau đó.
Những nội dung cần chú ý khi đàm phán: Người Chile có tinh thần yêu nước rất cao nên tránh đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về đất nước họ. Không nên bắt đầu cuộc trò truyện bằng câu hỏi về nghề nghiệp, nên tránh nói về bản thân mình, tránh đưa ra những câu hỏi mang tính cá nhân, hãy tập trung vào sở thích của họ (môn thể thao họ yêu thích, du lịch, văn hóa,…). Đa số người Chile thường đam mê nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương.
* Thị trường Hoa Kỳ
Một số tính cách đặc trưng của người Hoa Kỳ: người Hoa Kỳ rất coi trọng tự do cá nhân và tính tự lập. Chủ nghĩa cá nhân này dẫn đến tính cách nỗi bật của người Hoa Kỳ là cạnh tranh.
Phong cách chung của doanh nhân Hoa Kỳ là ít chú ý đến nghi lễ, đi thẳng vào vấn đề và muốn kết quả nhanh. Trong đàm phán, người Hoa Kỳ thường xác định trước và rõ mục tiêu cần đạt được, chiến lược và chiến thuật đàm phán và dùng số liệu để chứng minh cho các luận điểm của mình. Ở Hoa kỳ “có đi có lại” là nguyên tắc quan trọng trong kinh doanh.
Người Hoa Kỳ thích thẳng thắng, rõ ràng và dễ hiểu, không thích vòng vo, xa xôi, khi người Hoa Kỳ nói “được” thì có nghĩa là được và “không được” có nghĩa là không được. Người Hoa Kỳ không ngại ngùng khi trả lời “tôi không biết” nếu như họ không biết vấn đề mà bạn đang tâm, hoặc “tôi không phụ trách việc này” nếu như vấn đề bạn quan tâm không trong phạm vi trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, người Hoa Kỳ sẵn sàng chỉ cho bạn biết bạn phải hỏi ai hoặc tìm ở đâu để có những thông tin mà bạn cần hoặc ai là người phụ trách việc mà bạn đang quan tâm.
Người Hoa Kỳ không có thói quen nói hoặc cười to trong khi ăn uống hoặc ở nơi công cộng, cám ơn khi được người khác giúp đỡ dù chỉ là một việc rất nhỏ. Họ rất tự giác xếp hàng đợi đến lượt mình khi có từ hai người trở lên và không có thói quen chen hàng ngang.
Giờ làm việc: phổ biến nhất là từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều, trong đó có khoảng 30 phút đến một tiếng để ăn trưa. Các ngân hàng thường mở cửa từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Các công ty kinh doanh thường làm việc nhiều giờ hơn và kết thúc ngày làm việc muộn hơn. Một số công ty áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên trong việc đưa đón con đi học. Người Hoa Kỳ thường rất đúng giờ, sự chậm trễ được hiểu là thiếu quan tâm, coi thường đối tác hoặc kém cỏi trong sắp xếp thời gian.
Gặp gỡ làm việc: Người Hoa Kỳ muốn biết trước nội dung cuộc gặp, vai trò, quyền hạn và thậm chí cả thân thế sự nghiệp của khách hàng. Họ thường định trước thời lượng cho các cuộc gặp gỡ và không ngại ngùng chủ động kết thúc khi hết giờ, nhất là khi họ có việc bận tiếp sau đó, hoặc thấy cuộc gặp không mang lại lợi ích gì.
Danh thiếp: Không nhất thiết phải nêu các học vị trên danh thiếp, số phone và fax của bạn trên danh thiếp nên có mã số quốc tế của nước mình.
Tặng quà: tặng quà không phải là một tập quán bình thuờng ở Hoa Kỳ, nên tặng quà cũng có thể gây bối rối cho người nhận do họ không chuẩn bị quà để tặng lại. Tuy nhiên, Người Hoa Kỳ có thể vui vẻ nhận lời đi ăn uống tại một nhà hàng, bạn cũng có thể tặng vé hoặc mời họ đi xem biểu diễn văn nghệ hoặc một sự kiện thể thao. Những món quà mang tính kỷ niệm và liên quan đến công việc (ví dụ như bút, lịch, giấy ghi lời nhắn và những thứ tương tự) cũng có thể được chấp nhận một cách vui vẻ. Những món quà khiêm tốn (nhưng không quá rẻ tiền) đặc trưng cho nước bạn hoặc công ty bạn (ví dụ như hàng thủ công mỹ nghệ, sách giới thiệu về đất nước con người) cũng có thể làm quà tặng sau khi kết thúc công việc.
Thông tin thường xuyên: Giữ liên hệ và thông tin thường xuyên với bạn hàng Hoa Kỳ là rất quan trọng. Các nhà kinh doanh Hoa Kỳ thường không kiên nhẫn và ghét sự im lặng, họ muốn được thông tin thường xuyên về những diễn biến trong kinh doanh bất kể tốt hay xấu. Do vậy, ngay cả trong các trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu mua hàng của phía Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên trả lời không đáp ứng được nhu cầu để giữ quan hệ và liên hệ khi có thể. Nếu cần thời gian nghiên cứu hoặc thu thập thông tin trước khi trả lời thì cũng nên có thông báo cho đối tác biết đã nhận được yêu cầu và sẽ trả lời sau, nếu có thể, hẹn thời gian trả lời cụ thể. Không nhất thiết phải chờ có đầy đủ thông tin rồi mới trả lời một thể, những nội dung nào có thể trả lời trước thì trả lời, những nội dung chưa trả lời được thì hẹn trả lời sau.
* Thị trường Nhật Bản
Giờ làm việc: Sáng từ 9h00 – 12h00, chiều từ 13h00 – 17h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu. Nghỉ trưa một tiếng, người Nhật Bản tuân thủ rất nghiêm túc giờ giấc. Các cửa hàng bán lẻ thường mở cửa từ 10h00 sáng đến 19h00 tối tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
Một số nguyên tắc kinh doanh: Người Nhật rất coi trọng văn hóa và nguyên tắc kinh doanh, họ đặc biệt ứng xử rất lịch thiệp, khiêm tốn, tiêu chí này không chỉ để đánh giá sự tôn trọng lẫn nhau mà còn là tiêu chí để đánh giá một người trong xã hội Nhật Bản.
Các buổi gặp mặt làm việc thường diễn biến chậm, thời gian cuối buổi thường được dùng để ghi nhận những kết quả mà các bên đạt được. Khi người Nhật còn đang lưỡng lự, chưa thể có quyết định dứt khoát thì nên kiên nhẫn, giữ bình tĩnh. Thời gian giao lưu buổi tối thường sẽ đem lại những phản hồi hữu ích.
Tiếng Anh không được sử dụng rộng rãy lắm trong đàm phán. Nếu tiếng Anh được chấp nhận sử dụng, bạn nên nói chậm và rõ ràng, diễn đạt đơn giản, không sử dụng thành ngữ, nên có phiên dịch, đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Trong trường hợp nhiều khả năng bạn đến muộn, nên gọi điện xin lỗi trước và đưa ra chính xác thời gian mà bạn có thể có mặt, không nên đưa những người không liên quan (bạn bè, vợ chồng, trẻ em,…) đến tham dự buổi làm việc, kể cả các buổi làm việc trong buổi tối.
Danh thiếp được trân trọng cầm ở tay hoặc đặt trên bàn, nên mang theo nhiều danh thiếp vì các buổi đàm phán thương mại luôn được khởi đầu bằng việc các bên trao danh thiếp cho nhau. Cách sắp xếp chỗ ngồi trong các cuộc đàm phán với người Nhật cũng theo những thông lệ chung. Nhân vật quan trọng nhất thường ngồi ở vị trí cách xa cửa ra vào nhất. Những vị trí gần cửa ra vào nhất thường dành cho những người hay đi lại. Nếu không chắc đâu là chỗ ngồi của mình, bạn có thể nán chờ giây lát hoặc hỏi xem bạn có thể ngồi ở đâu. Quà cáp với người Nhật là việc không cần thiết đặc biệt trong buổi gặp đầu tiên, kể cả các món quà đắt giá cũng sẽ không thích hợp.
Tập quán tiêu thụ: Người Nhật yêu cầu hàng hóa chất lượng cao, bao bì đảm bảo, dịch vụ bán hàng và dịch vụ sau bán hàng phải tốt, giá cả hợp lý, hàng hóa phải có mẫu mã đa dạng phong phú.
Môi trường sinh thái: Gần đây, mối quan tâm đến các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng cao để nâng cao ý thức sinh thái và bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Các cửa hàng và doanh nghiệp đang loại bỏ việc đóng gói quá đáng, các vỏ sản phẩm được thu hồi và tái chế, các sản phẩm dùng một lần ngày càng ít được ưa chuộng.
* Thị trường Malaysia
Danh thiếp kinh doanh phải được in bằng tiếng Anh. Vì rất nhiều thương gia Malaysia là người Trung Quốc nên một mặt danh thiếp nên in bằng tiếng Trung Quốc và nên in bằng chữ màu vàng. Trên danh thiếp nên ghi rõ trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và chức vụ, khi đưa danh thiếp nên đưa bằng hai tay (cầm trên tay phải còn tay trái đỡ tay phải). Khi nhận danh thiếp cũng nên nhận bằng hai tay xem xét một chút rồi đặc cẩn thận vào hộp danh thiếp, không đặt vào túi hậu và không viết lên danh thiếp.
Người Malaysia thích kinh doanh cùng với những người mà họ biết và họ quý mến. Do vậy nên phát triển mối quan hệ cá nhân với các đối tác Malaysia. Họ thường tránh sự đối đầu, không trả lời trực tiếp “không” khi có ý định từ chối, thường có những lúc im lặng trong khi đối thoại, trước khi trả lời câu hỏi thường im lặng trong 10-15 giây.
Đối với doanh nhân theo đạo Hồi tại Malaysia: trước khi thương lượng, họ thích bắt tay nhẹ và hơi gật đầu, có thể kèm theo một nụ cười. Sau đó, nếu là người cùng giới, họ thường áp tay vào ngực (biểu thị lời chào xuất phát từ trái tim), nếu ta làm cử chỉ tương tự sẽ được đánh giá rất cao. Trong thương lượng, nghi lễ ký kết được coi là quan trọng và được thực hiện rất nghiên chỉnh. Nếu mời người Malaysia theo đạo Hồi đi ăn, cần lưu ý các đặc điểm của đạo Hồi như không ăn thịt lợn, không uống đồ uống có cồn.
* Thị trường Australia
Cử chỉ giao tiếp, chào hỏi: bắt tay là cách chào phổ biến của người Australia.
Khi tiếp xúc với người Australia bạn cần phải nhìn thẳng vào mắt họ vì theo họ đó là cử chỉ thể hiện rằng bạn là người đáng tin cậy. Khi nói chuyện cần giữ khoảng cách, họ không chấp nhận được hành động chạm đến cơ thể của đối phương, đàn ông không được phép nháy mắt với phụ nữ. Khi chào hỏi người Australia nên kèm theo các từ “ông”, “bà”, “cô” hay lịch sự hơn nữa là “ngài” vào trước họ của một người nào đó để thể hiện thái độ kính trọng.
Người Australia không đánh giá cao sự phô trương, khoe khoang cũng như thái độ tự cao về mình, họ không coi trọng trình độ nhận thức, bằng cấp, họ chỉ coi trọng đánh giá tài năng của một người thông qua những công việc thực tế mà người đó đã làm được.
Gặp gỡ, đàm phán: giờ hành chính của Australia bắt đầu từ 9h00 sáng đến 17h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu. Vấn đề đúng giờ không phải là yếu tố quan trọng đối với người Australia, các nhân viên cũng thường đi làm muộn. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải đi đúng giờ vì họ đánh giá bạn thông qua điều đó, nếu bạn đến muộn có khi bị đánh giá bạn là một người không đáng tin cậy.
Trong giao dịch, họ thường trao đổi danh thiếp với nhau, bạn cần thiết lập mối quan hệ khi tiến hành buôn bán với đối tác Australia. Trước hết, bạn cần tỏ ra bình đẳng với họ, điều này là rất có lợi bởi vì họ luôn coi trọng những người được đánh giá là bình đẳng với họ.
Trong đàm phán, người Australia thích sự thẳng thắn, nêu thẳng vấn đề cái gì có lợi và cái gì có hại, trình bày ngắn gọn, đơn giản, càng làm nêu bậc được vấn đề lên càng tốt, sự dài dòng hoặc quá chi tiết sẽ làm họ thấy khó chấp nhận, sự nhiệt tình thái quá hay nghiêm quá cũng đều làm cho cuộc đàm phán của bạn thất bại. Bạn cần phải nhớ, nét văn hóa nỗi bậc của người Australia là khiêm tốn, cởi mở, thẳng thắng. Chính vì thế, họ sẵn sàng đưa ra câu hỏi trả lời là “không” mà không hề do dự, việc đưa ra quyết định thường hơi chậm vì thông thường cấp trên trước khi đưa ra quyết định thường lấy ý kiến cấp dưới. Đây là cách làm việc có tính tập thể cao và là một đặc điểm trong văn hóa kinh doanh của người Australia, vì vậy mà sự vội vàng của bạn sẽ là không cần thiết.
* Thị trường New Zealand
Văn hóa kinh doanh của New Zealand cũng giống như một số nước khác. Để tạo lập mối quan hệ kinh doanh bền vững, việc gặp mặt trực tiếp vẫn rất quan trọng và phải nhanh chống trả lời các đơn vị hỏi về sản phẩm của đối tác. Thông thường, nên có kế hoạch chuẩn bị cẩn thận cho các cuộc gặp, cần thông báo trước khoảng 4 tuần. Việc đúng giờ cũng rất quan trọng, tránh lên lịch gặp gỡ đối tác vào dịp nghỉ lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh.
(Theo Giới thiệu thị trường 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – Nhà xuất bản Bộ Công Thương)
QUYÊN TTXTTM
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng