Trong thời gian qua việc giải quyết thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiện nay, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và hệ thống thông tin truyền thông rộng rãi, ý thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng các loại nông sản an toàn đã từng bước được nâng cao. Người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn trong lựa chọn các loại nông sản sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người sản xuất cũng từng bước nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong tạo ra các sản phẩm an toàn cho xã hội. Vì vậy những vùng sản xuất an toàn ngày càng được nhân rộng, đem lại những sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn.

Nông sản sạch thực sự chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Mặc dù nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng cao nhưng thực tế hoạt động tiêu thụ nông sản sạch vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế. Rất nhiều sản phẩm sạch, an toàn lại chưa được người tiêu dùng biết tới, hoặc không tin tưởng đó là sản phẩm thực sự an toàn.

Thống kê sơ bộ cho thấy, một lượng lớn các sản phẩm nông sản được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể, trong đó có lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau chưa bền chặt, chủ yếu theo hình thức mạnh ai nấy làm khiến quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp. Trong khi đó, tại các siêu thị, số lượng nông sản sạch tiêu thụ trong siêu thị hiện mới chỉ từ 10-20% so với sản lượng sản xuất.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những bất cập trong việc kết nối cũng như thiếu kênh tiêu thụ cho nông sản sạch với giá cáo. Theo đó, việc liên kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo, thị trường đầu ra của nông sản sạch không ổn định, nhiều mặt hàng chưa được ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp; đa phần hàng hóa nông sản được tiêu dùng trải rộng trên cả nước thông qua các chợ địa phương, do đó việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào gặp nhiều khó khăn dẫn đến người tiêu dùng khó phân biệt nông sản an toàn và thiếu an toàn; hiệu quả  của sản xuất nông sản an toàn không cao hơn so với sản xuất theo tập quán.  Kết nối cung-cầu nông sản an toàn được coi là khâu thiết yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại…Tuy nhiên so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác cũng góp phần khiến nông sản sạch chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường như sau:

  • Thứ nhất, nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Nông dân cho rằng sản phẩm sạch nhưng siêu thị cần chứng minh nguồn gốc lại không đưa ra được bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan làm căn cứ. Để xảy ra tình trạng này do nông dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, vật nuôi và các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận sơ sở sản xuất an toàn. Hiện nay do quy trình sản xuất của nông dân thiếu bài bản cũng như năng lực hoạt động của các HTX yếu dẫn tới cung – cầu chưa gặp nhau. Do vậy, để ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản sạch vào siêu thị, trở thành nơi cung cấp chính cho người tiêu dùng cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ nông dân thay đổi thói quen sản xuất truyền thống sang hướng chuyên nghiệp.
  • Thứ hai, các cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch hợp tác sản xuất nên hàng hóa còn trùng nhau, chủng loại, sản lượng sản xuất, tiêu thụ đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Do các sản phẩm nông sản sạch chưa đa dạng nên người dân chưa mạnh dạng áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới (thủy canh, giá thể, sinh học…) vào sản xuất và sơ chế đóng gói.
  •  Phải cạnh tranh không lành mạnh với những sản phẩm nhái; “thực phẩm bẩn” nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ…Trong thực tế, mặc dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo, nhắc nhở, nghiêm cấm thậm chí xử phạt, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản lạm dụng các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến việc nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn cũng như khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình qua đó cung ứng nhiều hơn nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng.
  • Thứ tư, do người tiêu dùng muốn có sản phẩm an toàn nhưng vẫn chưa sẳn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua sản phẩm hữu cơ.

Sản xuất nông sản sạch phải đối mặt với nhiều khó khăn

Trong khi đó, việc sản xuất các loại nông sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ nhằm tạo động lực cho sản xuất nông sản an toàn. Trong đó, những khó khăn chủ yếu người sản xuất nông sản sạch đang phải đối mặt như sau:

  • Thứ nhất, các cơ sở sản xuất áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến còn ít, chưa có sự liên kết trong quá trình phân phối và chế biến sản phẩm với quá trình sản xuất, thiếu tính định hướng và phối hợp chặt chẽ giữa “bốn nhà”.
  • Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, chưa huy động được sự tham gia đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, việc giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thực phẩm chưa được chú trọng. Ngoài các sản phẩm được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và công nhận tiêu chuẩn VietGAP thì có nhiều sản phẩm được sản xuất đảm bảo an toàn nhưng không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào xác định an toàn mà đang đánh đồng cả về chất lượng và giá cả với thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến việc khuyến khích người nông dân sản xuất thực phẩm sạch. Bởi thực tế, trong quá trình sản xuất khi sử dụng các chế phẩm an toàn để bón cho cây trồng hoặc chăn nuôi thì năng suất, sản lượng sẽ thấp hơn.
  • Thứ ba, nhận thức của người sản xuất tuy đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều vùng sản xuất nông sản chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh ATTP, vùng sản xuất không đáp ứng các yêu cầu theo quy định; sử dụng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi một cách bừa bãi và thu hoạch sản phẩm không đảm bảo thời gian cách ly theo quy định. Trong khi đó, sản xuất nông sản ở địa phương còn mang tính manh mún, theo quy mô hộ nên rất khó kiểm soát về mặt quy trình.
  • Thứ tư, công nghệ sau thu hoạch nhìn chung còn yếu kém ảnh hưởng đến khâu chế biến, nâng cao gía trị gia tăng hàng hóa nông sản san toàn. Cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất các loại nông sản an toàn.

Trước những diễn biến này, trong thời gian qua cùng với đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất Thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, Global Gap, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục lấy năm 2017 là năm thứ hai triển khai chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó chấn chỉnh tình trạng “thực phẩm bẩn”, tăng cường phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong bối cảnh việc sản xuất và tiêu thụ của các sản phẩm nông sản sạch còn gặp nhiều khó khăn, có thể nói sản xuất nông sản an toàn – hữu cơ nói chung không chỉ đơn giản ở vấn đề kỹ thuật, để sản phẩm có thể có chỗ đứng trên thị trường cũng như đem lại hiệu quả cao nhất thì phải cần đến các vấn đề chính sách, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đến nông nghiệp như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương…cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông sản an toàn – hữu cơ phát triển. Các chính sách nên tập trung vào quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ nông nghiệp an toàn - hữu cơ.

Với việc ngành nông nghiệp đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản là việc làm cấp bách hiện nay. Bởi điều này không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

(Trích theo Thị trường sản phẩm nông nghiệp)

TRANG TTXTTM

Nguyễn Phúc Duy
Thông tin liên quan:
Depo 25 bonus 25
Depo 25 Bonus 25