Năm 2017, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 33 tỷ USD. Nếu căn cứ con số đã đạt trong nửa đầu năm (17,1 tỷ USD) thì mục tiêu nêu trên là “trong tầm tay”.

Tuy vậy, để về đích đúng hẹn, toàn ngành vẫn cần tháo gỡ các rào cản để mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản một cách toàn diện. 

Để giải quyết các nút thắt trong tổ chức sản xuất theo quy mô lớn tập trung và mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa qua, Chính phủ đã cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhằm tháo gỡ khó khăn, lo đầu ra các sản phẩm nông sản, thực hiện điều phối hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Về phát triển thị trường trong nước, Cục có nhiệm vụ trình Bộ trưởng cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, đề án, dự án phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; thực hiện theo dõi, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình thị trường, tiêu thụ hàng nông sản trong nước. Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường nông sản quốc tế, Cục sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo và tổng hợp báo cáo về tình hình thị trường nông sản quốc tế theo ngành hàng và theo khu vực thị trường; hướng dẫn chính sách thị trường nông sản, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu nông sản. Cục cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu môi trường và cơ hội kinh doanh nông sản tại Việt Nam.

Việc ra mắt đơn vị mới này, nhiều chuyên gia đánh giá là động thái mang tính đột phá của Bộ NN&PTNT, khi nhận diện rõ ràng được khâu yếu trong cơ cấu, chính sách, Bộ đã thể hiện quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng dài hạn, bền vững. Như trong ngành chăn nuôi, để đẩy mạnh xuất khẩu, theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất lợn sữa, lợn thịt theo chuỗi khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm để xuất khẩu), bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu cụ thể, năm 2017, hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; từ năm 2018, tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020, xây dựng một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi còn tùy theo từng nước với yêu cầu, điều kiện an toàn thực phẩm khác nhau. Mọi hoạt động xúc tiến thương mại đều là vô nghĩa, nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương. Đã có bài học xương máu là chúng ta hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu sang Singapore, nhưng cơ quan thú y nước này trả lời là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì còn dịch lở mồm long móng.

Tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, từ ngày 01/11/2016, Ngân hàng Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50 nghìn tỷ đồng bằng vốn huy động thương mại. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm, so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank.

          Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Agribank đã phân tích một cách thấu đáo, khi cho rằng: Với các tổ chức tín dụng thì việc đầu tư, hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp là bài toán khó. Ngành nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, không thực hiện quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng rõ ràng, đầu ra không ổn định ảnh hưởng nhiều về yếu tố nông sản, nhiều loại nông sản sau khi thu hoạch cung vượt quá cầu dẫn đến mất giá, nông dân gặp khó khăn. Theo đó, ngân hàng cũng vướng mắc trong thu hồi vốn. Ngoài ra, với chính sách xuất khẩu và phát triển thị trường, Việt Nam chưa có chính sách đồng bộ, chưa bảo vệ được quyền lợi của các nhà xuất khẩu, chưa có sự hướng dẫn đầu tư hợp lý để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm, đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu...

Trong nửa đầu năm 2017, thị trường nông sản trong nước đã chứng kiến liên tiếp tình trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm “nghẽn” đầu ra, khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc “giải cứu” nối tiếp nhau: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi) và cuộc “khủng hoảng” thừa thịt lợn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những giải pháp trên chỉ mang tính nhất thời và mới xử lý được phần nổi của “tảng băng”, trong khi các vấn đề gốc rễ, cốt lõi lại chưa có biện pháp xử lý rốt ráo.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, cùng việc tổ chức sắp xếp lại Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối để thành Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp Bộ Công thương đánh giá tác động của chính sách thương mại hiện hành, cũng như các cam kết thương mại quốc tế, từ đó có giải pháp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc...) sẽ được chú trọng, nhằm kịp thời cảnh báo và tập trung tháo gỡ các rào cản, vấn đề phát sinh... Tiếp tục đàm phán để có các thỏa thuận song phương với các nước, như thỏa thuận liên quan nhập khẩu tôm chưa nấu chín vàoAustralia, xuất khẩu trứng gia cầm vào Myanmar; thịt lợn, sữa và sản phẩm sữa, cá rô đồng, nghêu... vào Trung Quốc.

Ngoài ra Bộ NN&PTNT đã và đang tập trung phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, chỉnh sửa Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân, đẩy mạnh chế biến; phối hợp các hiệp hội địa phương tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, hướng tới mục tiêu không chỉ đạt 33 tỷ USD xuất khẩu nông sản, mà quan trọng hơn là chấm dứt tình trạng được mùa rớt giá, tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân.

Hy vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt trong tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, tin rằng, trong năm 2017, xuất khẩu nông sản sẽ cán đích 33 tỷ USD, mà có thể kỳ vọng đà tăng trưởng ổn định này sẽ còn duy trì trong những năm tiếp theo.

 (Nguồn: Báo nhân dân; www.thuongmai.vn)

QUYÊN TTXTTM

Nguyễn Phúc Duy
Thông tin liên quan:
Depo 25 bonus 25
Depo 25 Bonus 25