Nhằm trình bày kết quả thực hiện đề tài và đề ra định hướng để phát triển các sản phẩm chế biến từ hành tím trong thời giới thiệu các sản phẩm từ hành tím, ngày 12/5/2018 Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu mô hình chế biến một số sản phẩm từ hành tím an toàn và bảo đảm khả năng tiêu thụ”, tại khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng. Đến tham dự Hội thảo có trên 30 đại biểu bao gồm: PGS.TS Nguyễn Minh Thủy - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ (Chủ nhiệm đề tài), ông Hứa Sĩ Hùng - Phó Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Sóc Trăng, đại diện huyện Kế Sách, Châu Thành tỉnh Sóc Trăng, truờng Đại học An Giang, các cán bộ trường Đại học Cần Thơ đến tham dự.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Minh Thủy giới thiệu về 7 sản phẩm từ hành tím đã được nghiên cứu hoàn chỉnh như: Hành tím muối chua, hành tím chế biến giảm thiểu, chutney hành tím, hành tím chiên (hành phi), hành tím sấy thăng hoa, bột hành tím, nước uống hành tím (với 03 hương vị chanh dây, trà xanh và táo) và một số thông tin về xúc tiến các sản phẩm trên thị trường thông qua khảo sát thực tế tại các quán ăn, siêu thị, cửa hàng,... Đây là 7 sản phẩm được chế biến từ hành tím Vĩnh Châu, các sản phẩm đã bước đầu cho thấy màu sắc, mùi, vị cảm quan tốt, đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và không sử dụng chất bảo quản. Qua nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Phú Son – Đại học Cần Thơ thì có 3 sản phẩm có khả năng phát triển cao nên chuyển giao cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là: hành tím muối chua, hành tím chiên (hành phi), hành tím sấy thăng hoa, bột hành tím. Các sản phẩm còn lại được đánh giá khá cao tuy nhiên chưa thích hợp chuyển giao cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Cuối hội thảo theo PGS.TS Nguyễn Minh Thủy các sản phẩm từ hành tím đã được nghiên cứu thử nghiệm nhiều lần nên đã hoàn toàn có thể chuyển giao cho doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Khi kết thúc đề án trong năm 2018 sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực để đưa vào ứng dụng thực tế sản xuất.
DUY XTTM
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng