Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) đang xảy ra ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh trồng thanh long trên cả nước nói chung; phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp.
Các đại biểu tham gia hội nghị
Trước tình hình trên, sáng ngày 05/02/2020, tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị Sở Công Thương các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp tiêu thụ thanh long tỉnh Long An, với sự chủ trì của ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An. Tham dự Hội nghị gồm đại diện một số cơ quan của tỉnh Long An: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội thanh long Long An, … ; Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, … và các doanh nghiệp, siêu thị Big C, Co.opMart; …
Hiện nay, diện tích thanh long đang cho trái của tỉnh Long An là 9.587 ha trên 11.836 ha diện tích trồng, sản lượng 320 ngàn tấn, năng suất bình quân là 321,5 tạ/ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc (70-80%), và một số quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, … và tiêu thụ trong nước; Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao. Nhãn hiệu “Tầm Vu, Châu Thành” của Hợp tác xã Thanh long Tầm vu đã được 5 nước Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore, Trung Quốc chấp nhận bảo hộ.
Tại Hội nghị, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nên một số khách hàng Trung Quốc đã hủy đơn hàng mua thanh long ruột đỏ của Hiệp hội Thanh long Long An. Hiện nay, thanh long đang vào đợt thu hoạch, khoảng 30 ngàn tấn (2 ngàn tấn đang tồn trong các kho lạnh, với thời gian bảo quản không quá 30 ngày, tỉnh Long An dự kiến sẽ còn khoảng 28 ngàn tấn nữa cần tiêu thụ từ nay đến cuối tháng 02/2020), giá thu mua thanh long thấp (4.000 - 5.000 đồng/kg), nhà vườn gặp khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ cho rằng: Các đơn vị có điều kiện thu mua trên địa bàn các tỉnh trong khu vực cần điều phối các cơ sở có điều kiện thương mại giúp bà con thu mua tiêu thụ thanh long. Các Sở Công Thương các tỉnh thành trong khu vực cần vận động hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp địa phương để thu mua tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An và các tỉnh thành có trồng thanh long nói chung. Riêng Sở Công Thương Cần Thơ sẽ kết nối, giới thiệu một số doanh nghiệp thu mua ở thành phố đến thu mua thanh long ở Long An về tiêu thụ ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, nhiều công ty có sức mua lớn của Trung Quốc đặt cọc mua thanh long với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng đến nay đều ngưng mua, chỉ chấp nhận hỗ trợ 4.000 đồng/kg hoặc mua với mức 5.000 đồng/kg. Trước tình hình này, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho các nhà kho, thương lái và nông dân. Thế nhưng, do lượng hàng quá nhiều nên một số nhà kho đã phải đóng cửa không thu mua. Tỉnh Long An hiện có 154 cơ sở thu mua, chế biến thanh long, trong đó khoảng 15 cơ sở có bán trực tiếp sang Trung Quốc, còn lại là gia công, đóng gói.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tỉnh Long An cần phải nâng cao chất lượng thanh long, giảm số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thể từ 75% xuống còn 50%, 40% để chúng ta không phụ thuộc vào thị trường này mà có thể xuất khẩu qua thị trường khác. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long để thu mua tiêu thụ sản phẩm thanh long của tỉnh Long An và các tỉnh trồng thanh long nói chung. Theo bà Trang, thị trường miền Bắc, miền Trung có khả năng tiêu thụ lớn, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khó tăng lượng tiêu thụ vì mặt hàng này đã được bán quanh năm. Bà Trang cũng đề nghị tỉnh Long An nói riêng cà các tỉnh nói chung, khi có nhu cầu thì liên hệ với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các kênh phân phối (siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp chế biến,… tại Thành phố Hồ Chí Minh) để trao đổi, hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết, trước mắt, các tỉnh, thành đang nỗ lực kết nối giữa nhà vườn với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các kho đông lạnh, cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ cho các mặt hàng thanh long nói riêng và các loại nông sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh nói chung. Một số tỉnh còn xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyến xe chở trái cây về các xã, khu công nghiệp… để tăng lượng tiêu thụ; tuyên truyền, vận động nông dân điều chỉnh sản xuất, giảm sản lượng trái cây thu hoạch trong thời gian tới... Tham gia hội thảo, nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big.C, Co.opMart và các doanh nghiệp trong ngành chế biến cam kết sẽ đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ các loại trái cây đang bị ùn ứ.
Tại Hội nghị, một số giải pháp, đề xuất đã được nêu ra là phát triển thị trường mới, hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến về vốn vay, gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền điện... để tiếp tục kinh doanh hay hỗ trợ chung cho những nhà vườn chưa bán. Ngoài ra, Long An cũng kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ thanh long ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch vùng trồng (không chỉ thanh long mà cho tất cả các loại nông sản khác) để đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững. Ngoài việc hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ của các cơ quan nhà nước, chính người nông dân phải tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; các doanh nghiệp cần phát triển chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng của sản phẩm ngay từ khâu thu hoạch đến chế biến sản phẩm.
Châu XTTM
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng