Thương mại toàn cầu năm 2017-2018 được dự báo sẽ cải thiện so với năm 2016. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi dần kể từ năm 2017 với mức tăng trưởng 3,4%. Dẫn đầu tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ là Hoa Kỳ với nhiều dấu hiệu khả quan trong năm 2016 (IMF dự báo Hoa Kỳ tăng trưởng 1,6% năm 2016 và 2,2% năm 2017), các thị trường ASEAN cũng sẽ là khu vực tăng trưởng đáng chú ý trong thời gian tới. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chặn được đà suy thoái khi tăng trưởng GDP năm 2016 đạt khoảng 6,7% tương đương năm 2015.
Tuy vậy, thương mại toàn cầu vẫn đứng trước nhiều bất ổn từ các yếu tố chính trị tại các nền kinh tế lớn, trong đó chính sách thương mại của tân Tổng thống Hoa Kỳ và sự kiện Anh rời khỏi EU là nổi bật hơn cả.
Nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn sẽ là động lực cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và đem đến những đóng góp lớn cho xuất khẩu. Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và dự trữ ngoại hối, dòng vốn đầu tư nhiều khả năng sẽ tiếp tục chạy khỏi nên kinh tế Trung Quốc. Việt Nam với lợi thế về nhân công rẻ, tỷ giá tương đối ổn định và môi trường kinh doanh ngày một hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế, đã thu hút tương đối thành công vốn FDI trong năm 2016.
Kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu do Chính phủ tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Năm 2016 lại là năm Đảng, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo thực hiện những giải pháp có tính cốt lõi trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ tại Việt Nam. Theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được xem như là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã quyết định thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn và xem xét mô hình Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để tập chung quản lý một số DNNN lớn vào một đầu mối nhằm giải phóng các bộ ngành khỏi việc tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và cắt giảm thủ tục hành chính. Nhờ đó Việt Nam đã đứng thứ 56/140 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc so với giai đoạn 2014-2015.
Việc tham gia cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các Hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều cơ hội cho việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước do phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nhập khẩu đặc biệt từ các nước Đông Á và khu vực ASEAN.
Theo Kế hoạch của Bộ Công Thương, mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2017 vào khoảng 6,9%. Đây là mục tiêu có thể đạt được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khởi sắc trở lại và Chính phủ quyết tâm xây dựng nhà nước kiến tạo phục vụ doanh nghiệp. Với việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế đất nước và việc đẩy mạnh cổ phần hóa khu vực DNNN, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cải thiện tỷ trọng xuất khẩu bởi các doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Hoa Kỳ và Châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn. Với triển vọng kinh tế tốt và dung lượng thị trường lớn, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành đối tác thương mại giàu tiềm năng bậc nhất của Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) kết thúc đàm phán năm 2015 có hiệu lực vào tháng 10/2016 sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với nhiều hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê chế biến và trong 7 năm sẽ giảm mức thuế xuống còn 0%. Ngoài ra, nhiều hạn ngạch như đối với sản phẩm gạo cũng sẽ được nới lỏng hơn tại thị trường EU. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi khá cao về tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu, doanh nghiệp nội địa phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng, mức độ đồng đều sản phẩm và mẫu mã bao bì để đón đầu được xu thế.
Các ngành hàng như rau quả, thủy sản cho thấy vẫn còn tiềm năng khai thác tại các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới của Việt Nam. Việc đẩy mạnh tiềm kiếm thị trường mới và liên tục nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì và chứng thực nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp các ngành hàng này phát triển mạnh trong năm 2017-2018.
Đối với mặt hàng rau củ quả: là ngành giàu tiềm năng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chống, vượt mặt lúa gạo. Xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với đặc điểm là thị hiếu phù hợp, vị trí địa lý gần và không quá khó tính. Tuy nhiên, với việc xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc hiện chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cho thấy tính chất không bền vững do thị trường Trung Quốc là thị trường tương đối bấp bênh và khó dự báo. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong vài năm tới. Việt Nam vì vậy cần định hướng xuất khẩu sang các thị trường rau củ quả sang các thị trường khác ở Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc bởi các thị trường này cũng đã mở cửa tương đối rộng rãi với nhóm hàng này từ Việt Nam và cũng dễ vận chuyển bằng đường thủy. Các doanh nghiệp rau củ quả trong nước cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay tuân thủ các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ để tiếp cận thị trường khó tín nhưng giá trị cao hơn như Hoa Kỳ và Châu Âu.
Thủy sản: Đối với thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu, khả năng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều vì hàng thủy sản của Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhập khẩu ở các nước này. Các mặt hàng như tôm và cá ngừ của Việt Nam vẫn được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ và còn nhiều tiềm năng xuất khẩu. Tuy vậy, những khó khăn về thuế quan tại Hoa Kỳ đối với một số mặt hàng thủy sản cộng với việc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được nước này thông qua sẽ tạo áp lực với các doanh nghiệp trong nước mở rộng sang các thị trường khác. Một số thị trường tiềm năng ở Châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc, với thị hiếu tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi và xu hướng chuyển dịch từ xuất khẩu sang nhập siêu, sẽ là địa điểm xuất khẩu phù hợp cho xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam.
Dệt may: Năm 2016 do sức cạnh tranh từ hàng hóa các nước xuất khẩu khác được hưởng thuế xuất ưu đãi như Lào, Campuchia, Myanmar và Bangladesh gây khó khăn cho hàng dệt may của Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia được hưởng thuế xuất ưu đãi 0% vào thị trường Hoa Kỳ và EU, Việt Nam vẫn chịu mức thuế cao 9,6% và 17% khiến cho hàng hóa kém sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, chi phí tiền lương của các quốc gia này cũng rẻ hơn tương đối so với Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam. Hơn thế nữa, Chính phủ các nước này còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu,…Vì vậy, nhiều khả năng đơn hàng dệt may sẽ tiếp tục khan hiếm và tốc độ tăng trưởng hàng dệt may trong năm 2017 có thể vẫn đạt mức vừa phải. Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục có dung lượng lớn và tiềm năng tăng trưởng tốt, tuy nhiên cạnh tranh cũng tương đối quyết liệt, trong khi kinh tế Nhật Bản và Châu Âu còn nhiều rủi ro, Việc TPP có được thực hiện hay không sẽ ảnh hưởng tới hàng rào thuế quan đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam và sức cạnh tranh tương đối với các sản phẩm từ các nhà sản xuất khác.
Thách thức lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam vẫn sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và tích cực dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị hàng may mặc chứ không dừng lại ở gia công, nơi mà Việt Nam đang dần mất lợi thế so với nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc khai thác mạnh hơn các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc hay Đài Loan sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giải quyết phần nào tình trạng thiếu đơn hàng như thời gian vừa qua.
(Nguồn: Theo Báo cáo xúc tiến thương mại 2016 của Bộ Công Thương)
QUYÊN TTXTTM
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng