Cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua các nguồn vốn tín dụng
Trong những năm gần đây, mặc dù chỉ đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, nhưng ngành nông nghiệp - nông thôn có vai trò hết sức quan trọng bởi đây là khu vực tập trung gần 70% dân số nước ta và thu hút gần 50% lực lượng lao động cả nước. Nhận thức được vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới, trong đó có chính sách tín dụng ngân hàng.
Theo đó, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ (thay thế Nghị định 41/2015/NĐ-CP ngày 12/4/2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 55/2015 là những chính sách mang tính đột phá để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thông qua nhiều chính sách mang tính đặc thù đối với lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị định 55 tiếp tục cho phép một số đối tượng được vay vốn, mà không phải thế chấp tài sản với mức vay ngày càng tăng lên. So với quy định cũ, mức cho vay không có tài sản bảo đảm cho một số đối tượng khách hàng đã tăng lên từ 1,5 - 2 lần. Một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp được nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên tới 3 tỷ đồng như nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản… Nghị định cũng quy định cụ thể quy trình xử lý nợ đối với trường hợp khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho người dân ở nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với cáctổ chứcHộiNông dân, Hội Liên hiệpPhụ nữcác cấp, tạo điều kiệnđưa vốn ngân hàngđến các hội viên để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, tín dụng vào lĩnh vực này ngày càng tăng nhanh. Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5/2017 đã đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng trong năm 2016, tín dụng đã đạt 996.610 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cuối năm 2015 và tăng 22,95% so với trước thời điểm triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Tính bình quân trong 7 năm (từ 2010 đến 2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao cho các ngân hàng thương mại dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định 813/QĐ ngày 24/4/2017 về gói tín dụng này. Theo đó, NHNN đã ban hành quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng hấp dẫn, với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến cuối tháng 5/2017, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ước khoảng 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân và 168 khách hàng doanh nghiệp). Trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 86% đạt 27.737 tỷ đồng, cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng. Đáng chú ý, những khoản vay này đều không phát sinh nợ xấu.
Trong đó, có nhiều ngân hàng tham gia vào chương trình với nhiều dự án công nghệ cao nổi bật như: Ngân hàng Bắc Á đầu tư vào các dự án chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, rau xuất khẩu...; Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đầu tư vào dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi,... Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã cam kết gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mức lãi suất thông thường đối với các dự án này.
Nguồn vốn cho vay gói tín dụng do các NHTM cân đối từ nguồn huy động trên thị trường để thực hiện. NHTM và khách hàng tự thoả thuận về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay. Đồng thời, khách hàng vay vốn theo chương trình được phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm.
Thống kê cho thấy tỷ trọng cho vay trung dài hạn chiếm phần lớn trong các khoản vay trong chương trình. Do đó, NHNN đang xem xét loại trừ vốn trung dài hạn cho vay theo chương trình này ra khỏi công thức tính vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để khuyến khích các ngân hàng tham gia. Mức tỷ lệ này theo quy định hiện tại là 50% và hướng tới giảm xuống 40% trong thời gian tới
Có thể nói, dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào khu vực nông nghiệp – nông thôn đã và đang góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp… Một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp, thương mại đã bắt đầu quan tâm và đặt chân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), công nghệ sạch để phục vụ người tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu. Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp, thương mại đã bắt đầu quan tâm và đặt chân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch để phục vụ người tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu. Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Như vậy, sau hai năm triển khai, Nghị định số 55/2015 đã đem lại những hiệu quả nhất định, đi vào cuộc sống, khơi thông dòng chảy tín dụng đi vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì tín dụng vào khu vực nông nghiệp – nông thôn vẫn gặp nhiều vướng mắc như sau:
Thứ nhất, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, thị trường nông sản của Việt Nam vừa phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, đồng thời vấp phải sự bảo hộ thông qua các hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên nên rất bấp bênh, trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro như hoạt động bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn thiếu hụt.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún và vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, nên năng suất, thu nhập của người sản xuất còn thấp. Nhiều quy định pháp lý chưa được cởi bỏ kịp thời để hướng tới nền nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm (như quy định về hạn điền trong sản xuất nông nghiệp)
Thứ ba, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung - cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều bất cập; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Thứ năm, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Cùng với những khó khăn chung trong việc đẩy mạnh tín dụng vào khu vực nông thôn, thì việc thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng đối mặt với không ít “điểm nghẽn”
Trước hết, sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai dự án. Vốn đầu tư cho một dự án NNCNC thường rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm chưa thật sự ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu phân biệt với sản phẩm thông thường về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới) mặc dù có giá trị đầu tư lớn, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay. Việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, hiện số lượng các khu, vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cấp giấy chứng nhận cho khoảng 25 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc…
Như vậy, có thể thấy hiện tại các NHTM không thiếu vốn, nhưng vấn đề khiến tín dụng NNCNC gặp khó nằm ở các cơ chế pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản, phát triển thị trường tiêu thụ, khiến các bên chưa “gặp” được nhau.
Cần có sự đồng thuận từ người nông dân, doanh nghiệp cho đến các cơ quan quản lý
Trong giai đoạn này, để có thể triển khai các chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý một cách hiệu quả hơn nữa cũng cần có sự đồng thuận từ rất nhiều phía. Trong đó, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia chuỗi liên kết toàn cầu.
Về phía các doanh nghiệp và hộ nông dân cần xác định rõ, chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch sử dụng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay nguồn tái cấp vốn của NHNN khi thực hiện chương trình này. Như vậy, dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng đây vẫn là hoạt động tín dụng thông thường, cần có sự bảo toàn và phát triển vốn tín dụng.
Về phía các Bộ, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi thường cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để sớm có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu các tài sản trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi vay vốn sản xuất.
Bộ NN&PTNT cũng cần có sự phối hợp đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Về phía NHNN, cần khảo sát và xem xét lại các chính sách trong Nghị định 55 và kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng