Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường trong nước đã và đang tham gia giải cứu đối với hàng loạt mặt hàng nông sản trong nước, từ chuối Đồng Nai, dưa hấu Quảng Ngãi tới thịt lợn, trứng gia cầm, bí đỏ…
Sau gần 2 tháng giải cứu thịt heo trên cả nước thì đến thời điểm này giá thịt hơi đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, hiện chỉ dao động ở mức 20.000 - 27.000 đồng/kg (tùy từng địa phương).
Một số địa phương có lượng thịt heo tồn lớn hiện vẫn đang tiếp tục trong công cuộc giải cứu. Một khó khăn khác đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến các trại chăn nuôi heo là đầu ra con giống đang gặp khó khăn. Thông thường, các trại chăn nuôi heo có quy mô từ vài trăm con sẽ có trại heo giống vừa để có heo giống tự nuôi vừa cung cấp con giống cho thị trường. Tuy nhiên hiện nay, do giá heo giảm mạnh kéo dài khiến người nuôi lỗ nên không có người mua con giống (giá heo giống trước đây từ 100.000-120.000 đồng/kg, nay giảm còn 35.000-45.000 đồng/kg). Trong khi đó, đàn heo nái vẫn đẻ theo chu kỳ nên các trại buộc phải giữ lại heo giống để nuôi tiếp. Do đó, nguồn heo thịt vẫn được các trại tiếp tục nuôi với số lượng lớn.
Theo nhận định, giá heo sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa, thậm chí kéo dài đến hết năm. Trong trường hợp các trại có chăn nuôi heo giống cắt giảm được nguồn heo nái để chủ động được nguồn heo giống nhằm giảm đàn; đồng thời phía Trung Quốc cho mở biên trở lại để nguồn heo thịt được xuất bán sang nước này như trước... thì khi đó giá heo mới có thể tăng trở lại.
Tham khảo giá heo (lợn) hơi vào cuối tháng 6/2017
Thị trường |
Giá (đồng/kg) |
Lạng Sơn |
25.000 - 27.000 |
Yên Bái |
22.000 - 24.000 |
Phú Thọ |
22.000 - 24.000 |
Thái Bình |
20.000 - 24.000 |
Hà Nam |
19.000 – 22.000 |
Quảng Bình |
22.000 -25.000 |
Bình Dương |
25.000 - 26.000 |
Đồng Nai |
22.000 - 27.000 |
Vĩnh Long |
23.000 - 25.000 |
Lâm Đồng |
28.000 - 30.000 |
Kiên Giang |
25.000 - 27.000 |
Đông Nam Bộ |
24.000 – 26.000 |
ĐBSCL |
23.000 – 25.000 |
Trong khi cả nước tập trung giải cứu thịt lợn thì giá gia cầm, đặc biệt là trứng gia cầm cũng giảm mạnh. Tại nhiều địa phương, giá trứng gà công nghiệp chỉ còn bán được 18.000 đồng/chục. Nguyên nhân chính là do cung đã vượt cầu cộng với do giá thịt heo giảm mạnh, các chương trình giải cứu diễn ra rầm rộ, người tiêu dùng cũng như các nhà máy, công ty, xí nghiệp, bếp ăn công nghiệp tăng mua lượng thịt lợn dẫn đến lượng gia cầm và trứng gia cầm tiêu thụ giảm.
Trong khi đó, kể từ cuối tháng 5 đến nay, thị trường đang tiếp tục chung tay giải cứu bí đỏ cho nông dân Đắc Lắc. Với diện tích trồng lớn, sản lượng nhiều, giá bí đỏ tại đây nông dân chỉ còn bán được 1.000 - 2.000 đồng/kg, thậm chí nhiều vùng không tiêu thụ được phải thu hoạch xong chất bên vệ đồng. Trong khi đó, chi phí công sức phân bón, tưới tiêu, thuê mướn nhân công đã lên đến 2.000 - 3.000 đồng/kg. Do lượng bí tồn đọng lớn, không bán được nên nguy cơ số lượng lớn bí đỏ đến mùa thu hoạch bị thối, hư hỏng. Trước tình hình đó, các đoàn thể, người dân ở TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên- Huế đã vào cuộc giải cứu, thu mua giúp bí đỏ với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg để bán cho nông dân.
Theo đánh giá, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng nông sản lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa sau một thời gian tăng trưởng “nóng”:
Thứ nhất về phía cầu, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe. Đặc biệt là phải cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh xuất khẩu; giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng cường bảo hộ.
Thứ hai về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
Trước diễn biến phức tạp của ngành nông nghiệp, ngày 21/6 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối; điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Cục được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, theo Quyết định số 1348/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/4/2017.Theo kỳ vọng của Bộ NN&PTNT,việc thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là với Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân để nghiên cứu, phân tích, dự báo tốt thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ.Từ đó tạo ra những sản phẩm sạch, giá cả hợp lý, phục vụ trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp.
Đây được đánh giá là động thái mang tính đột phá của Bộ NN&PTNT, thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng dài hạn, bền vững của Bộ. Song song với việc thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, trong thời gian tới kỳ vọng Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi tới nuôi trồng thủy hải sản. Xây dựng những vùng chuyên canh lớn, chăn nuôi hướng tới mô hình trang trại thì mới có thể kiểm soát được đầu vào- đầu ra, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, và đặc biệt cần tập trung chuyên sâu vào khâu chế biến.
Trước sự ra đời của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành Công thương sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong xúc tiến thị trường nông sản. Việc ra đời của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản thể hiện chiến lược quan trọng trong phát triển thị trường nông sản, góp phần đưa sản xuất ngày càng gắn liền hơn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng