MỘT SỐ BƯỚC CƠ BẢN ĐỂ XUẤT KHẨU RAU QUẢ SANG NHẬT BẢN
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng đáng kể, Nhật Bản vẫn là một trong 3 thị trường hàng đầu của rau quả Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tính riêng 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả sang Nhật đạt trên 36,5 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường này khó nhất vẫn là chất lượng.
Nhật Bản là một trong những nước đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu cao. Hầu hết các tiêu chuẩn này đều tương đương, thậm chí cao hơn những tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Đáng chú ý, các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này có nghĩa là, các tiêu chuẩn đó không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặt ra.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để đưa một loại quả tươi sang thị trường Nhật Bản có một số bước cơ bản:
1. Đàm phán giữa hai cơ quan chuyên trách của chính phủ đưa ra nhu cầu của phía Việt Nam và được phía Nhật Bản chấp nhận xem xét (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).
2. Phía Việt Nam tiến hành khảo sát lập danh sách sâu bệnh đối với loại quả đó và gửi phía Nhật kiểm tra, xem xét.
3. Nếu thấy có thể xử lý được các loại sâu bệnh đó thì phía Nhật sẽ đưa ra phương án, kỹ thuật cũng như công nghệ và thiết bị để Việt Nam tham khảo. Khâu này thường phức tạp và tốn kém nhất, mất thời gian thử nghiệm.
4. Khi nhận được kết quả báo cáo của cả quá trình thử nghiệm, phía Nhật Bản bắt đầu xem xét và lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học chuyên môn và của cộng đồng (thường nhanh nhất là 6 tháng đến 01 năm).
5. Khi có kết quả điều tra, lấy ý kiến cộng đồng, phía Nhật Bản sẽ ra quyết định cho phép và thông báo quả tươi đó của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Nhật Bản.
Tuy nhiên, để quả tươi thực sự được thông quan tại Nhật Bản, còn một khâu quan trọng nữa là kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm do các trạm kiểm nghiệm của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản tại cửa khẩu thực hiện. Nếu quả tươi đó dù đã được xử lý côn trùng nhưng dư lượng thuốc nông nghiệp quá mức quy định của Nhật Bản thì vẫn bị trả về. Tổng thời gian các bước tùy thuộc vào loại quả có nhiều loại côn trùng cần xử lý hay không, cần nhiều thời gian thử nghiệm hay không, trung bình từ 3-5 năm.
(Nguồn: www.thuongmai.vn)
QUYÊN TTXTTM
Địa chỉ: 14 Châu Văn Tiếp, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng